11/8/12

Duyên Với Nhiệt Đới

Kỷ niệm khó quên trong đời sinh viên Y khoa là sau một đêm trực bệnh viện sáng ra áo sơ mi bị ... thất lạc, thế là phải mặc áo blouse bỏ trong thùng đạp xe ra về. Kỷ niệm đó xảy ra với mình tại Bệnh Viện Chợ Quán, trại D, là trại chữa trị các bệnh nhiễm trùng, mà trong số bệnh nhân có khá nhiều người nghiện xì ke.

Bệnh viện Chợ Quán là nơi mình học được nhiều bệnh đáng nhớ nhất, từ sốt rét (và cũng học được cách kéo rồi nhuộm lam máu bằng phương pháp nhuộm nhanh của Field trong phòng xét nghiệm mini của Bác sĩ Keith Arnold, rồi xem trên kính hiển vi), kiết lỵ, thương hàn, viêm màng não mủ, nhiễm não mô cầu tối cấp, dịch hạch, uốn ván và dịch tả. Có lẽ mình cũng thuộc thế hệ cuối cùng có thấy và làm việc đo tỉ trọng huyết tương bằng cách nhỏ giọt huyết tương vào một dãy ống nghiệm chứa sẵn dung dịch sulfate đồng có nồng độ pha loãng dần; căn cứ trên kết quả tỷ trọng huyết tương mà có công thức tính lượng dịch cần bù, phương pháp này nay đã tuyệt tích giang hồ! Bệnh viện Chợ Quán cũng là nơi mình học được cách chọc dò tủy sống khi theo học các đàn anh trong những đêm trực.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trước kia là Bệnh viện Chợ Quán
Lúc mình đi học 1974-1975 nơi này tên là Trung Tâm Y Tế Hàn Việt. Thực tập ban ngày tại lầu 3 Nội Khoa của Bà Giáo Sư Huỳnh Ngọc Xuân, Thầy Hiếu; học Triệu chứng học Thần Kinh với Thầy Tâm. Đàn anh gần nhất là Nguyễn Nho Đức, dẫn mình đi xem Anh làm nội soi dạ dày 1 cas, cho mình vịn giữ fixer cây kim ảnh chọc hút 1 cas ap-xe gan do amip!

Không nhớ chính xác nhưng khoảng trước/sau năm 1975 mình có học một vài bài trong môn Y học Nhiệt đới, mà bài nhớ nhất là bài Beri-beri với biến chứng nặng suy tim - phù phổi - tử vong gọi là thể ShoShin Beri-beri, lúc ấy bệnh này cũng được điều trị tại Bệnh viện Chợ Quán.

Thời gian trôi qua, mọi chuyện cũng đổi thay, sau 1975 tên Bệnh viện Chợ Quán được dùng lại, sau đổi thành Trung tâm Bệnh Nhiệt Đới; rồi 2 chữ Trung tâm cũng được đổi ngược về thành Bệnh viện, cuối cùng rồi Bệnh viện Chợ Quán trước kia nay mang tên là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Duyên với hai chữ Nhiệt Đới là thế!


Khoa Nhiễm D (trên lầu) và Nhiễm A (trệt) và Khoa Nhiễm E (đàng xa) mới cất trên vị trí trước kia là Trại CDE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét