1/11/21

Hiệu Quả Của Chủng Ngừa COVID-19

Nhiều người lao động quay trở lại tìm việc làm ở các địa phương được phát hiện dương tính với SARS_CoV-2 qua xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Đa số họ đã chích ngừa đủ 2 mũi.
Báo Tuổi trẻ ngày 24/10/2021 đưa tin Bình Phước giám sát hơn 2.700 người trở lại tỉnh từ ngày 12-10-2-21 đến 22-10-2021 đã ghi nhận 63 ca dương tính, trong đó có 37 người đã được tiêm 2 mũi vắc xin (chiếm 58,7%), 19 người đã tiêm 1 mũi, 7 người chưa tiêm ngừa COVID-19. Trong thời gian vừa qua tỉnh Bình Phước cũng đã ghi nhận 21 nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 mặc dù đa số đã được tiêm vắc xin đủ 2 mũi.
Từ chuyện này một số câu hỏi đã được đặt ra về hiệu quả trên thực tế của chủng ngừa COVID-19.
1/ Chủng ngừa đủ liều vẫn mắc COVID-19, phải chăng thuốc chủng không hiệu quả?
Số liệu Bình Phước mắc 63/2700 người thử (xuất độ 2,3% trong quần thể này), trong đó 7 người mắc chưa tiêm ngừa, còn 56 người đã tiêm ngừa (37 người 2 mũi + 19 người 1 mũi). Tiếc là ta không có số liệu trong 2700 người lao động đó có bao nhiêu người chưa chủng ngừa, bao nhiêu người đã chủng ngừa (1 hoặc 2 mũi), bao nhiêu người đã mắc COVID-19 và khỏi bệnh trong vòng 6 tháng. Do vậy không thể tính xem hai nhóm đã chủng ngừa và chưa chủng ngừa nhóm nào có xuất độ mắc bệnh cao hơn. (Lưu ý: đừng thấy 58,7% người dương tính là đã chủng ngừa mà suy ra rằng người chủng ngừa đủ liều mắc COVID-19 nhiều hơn người không chủng ngừa nhé; 58,7% những người dương tính là đã chủng ngừa chớ không phải 58,7% người đã chủng ngừa bị dương tính! Coi chừng kẻ xấu lợi dụng các tỉ lệ phần trăm này để xuyên tạc về hiệu lực bảo vệ của văc-xin. Cũng nhân đây đề nghị các vị có trách nhiệm về thông tin khi nói chuyện cần đưa ra thông tin đầy đủ về số dương tính và tổng số người được thử cũng như số lượng trong các nhóm được thử).
Tuy nhiên theo qui định hiện hành thì muốn đi làm việc, người lao động cần phải tiêm ngừa 1 hoặc 2 mũi, hoặc đã mắc COVID-19. Do vậy ta có thể đoán phần lớn trong 2700 người đó đã tiêm ngừa. Trong một quần thể đại đa số đã tiêm ngừa thì khi xảy ra mắc COVID-19 phần lớn những người mới mắc là đã tiêm ngừa là điều dễ hiểu (vì họ chiếm đa số trong quần thể đó)! Khi nghiên cứu phát triển thuốc chủng ngừa COVID-19 các nhà sản xuất chỉ nhắm 2 mục tiêu:
(i) thuốc chủng có làm giảm số người mắc COVID-19 có triệu chứng,
(ii) có làm giảm số người nhập viện và tử vong hay không.
Mắc COVID-19 không triệu chứng (nghĩa là mới bị nhiễm virus chớ không phát triển thành bệnh) không nằm trong mục tiêu nghiên cứu của các nhà chế tạo thuốc chủng.
Do vậy, chủng ngừa đủ vẫn mắc COVID-19 là điều có thể xảy ra, và đã được tiên liệu. Vấn đề là khi đã chủng ngừa đủ thì người chẳng may mắc COVID-19 sẽ giảm nguy cơ diễn tiến bệnh nặng và tử vong.
Như thế trả lời cho câu hỏi thứ nhất: hiệu quả của thuốc chủng không phải dựa trên số người dù đã tiêm chủng đủ liều vẫn mắc bệnh, mà dựa trên số người được bảo vệ khỏi mắc COVID-19 có triệu chứng, phải nhập viện hoặc tử vong.
2/ Người chủng ngừa đủ liều khi mắc COVID-19 có diễn tiến giống người bệnh chưa chủng ngừa không?
Còn nhớ giữa tháng 6/2021, một chùm các trường hợp nhân viên y tế của bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh bị mắc COVID-19. Họ là những người đã chủng ngừa 2 mũi AstraZeneca (riêng một người mới chích 1 mũi). Có 69 người dương tính SARS-CoV-2, 62 người được theo dõi trong một nghiên cứu. Chỉ có 2 người có triệu chứng nhẹ ngay từ đầu, 47 người xuất hiện triệu chứng nhẹ sau đó. Chụp x-quang phổi cho 34 người thấy 3 người có viêm phổi nhưng chỉ có một người cần thở oxy trong 3 ngày mà thôi. Không ai cần phải thở máy, tất cả đều được xuất viện khỏe mạnh. [1]
Số người Việt mắc COVID-19 sau chủng ngừa đủ liều chưa được mô tả nhiều trong các báo cáo khoa học hoặc báo cáo thường xuyên của hệ thống y tế. Bài báo của BV Bệnh nhiệt đới là gần đây nhất và chưa có dữ liệu nào mới hơn. (Lưu ý: số nhân viên y tế trong nghiên cứu này khá ít, hơn nữa họ nằm trong lứa tuổi không nguy cơ cao, họ ít bệnh nền).
Nhưng qua đó ta cũng có thể thấy người chủng ngừa đủ liều khi mắc bệnh thì không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, ít có biến chứng nguy hiểm hay tử vong (ít hơn nhóm không chủng ngừa).
3/ Một người chủng ngừa đủ liều khi mắc COVID-19 có lây bệnh cho người khác không? Nhiều hay ít hơn người bệnh không chủng ngừa?
Chùm ca bệnh tại BV Bệnh nhiệt đới có 23 trường hợp được giải trình tự hệ gen SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu thấy rằng tất cả 23 chủng virus này thuộc cùng một nhóm và khác rõ rệt với các chủng phát hiện trên những bệnh nhân khác không liên quan chùm BV Bệnh nhiệt đới nhập viện cùng thời điểm. Điều này cho thấy họ cùng một nguồn lây, mà cách giải thích dễ nhất là một trong những nhân viên mắc COVID-19 rồi sau đó lây cho các đồng nghiệp, không lây ra cộng đồng. Họ đã được chủng ngừa 2 mũi AstraZeneca, thế có nghĩa người chủng đủ liều vẫn mắc SARS-CoV-2 và có thể lây cho người khác, kể cả cho những người đã chủng ngừa hai mũi.
Hình 1. Cây phả hệ các chủng SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân tại BV Bệnh nhiệt đới: màu đỏ  chùm bệnh nhân viên BV, màu xanh  các bệnh nhân khác mắc trong cộng đồng
Họ lây cho người khác nhiều không?
Nghiên cứu của BV Bệnh nhiệt đới cũng đo đạc xem số lượng virus trong phết hầu họng của những nhân viên mắc COVID-19 sau chủng ngừa đủ 2 mũi có nhiều hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh năm ngoái 2020 hay không. Kết quả là số lượng RNA của SARS-CoV-2 ở những nhân viên y tế tháng sáu năm 2021 nhiều hơn gấp 251 lần ở những bệnh nhân tháng ba tháng tư năm 2020 nằm cùng bệnh viện và đo đạc cùng một cách giống nhau. Chớ vội kết luận rằng người chủng ngừa đủ 2 mũi mang nhiều virus ở hầu họng gấp trăm lần người không chủng ngừa! Sở dị không thể so sánh là vì đầu năm 2020 chủng gây bệnh là chủng nguyên thủy, còn tháng sáu 2021 tác nhân gây bệnh là biến chủng Delta của SARS-CoV-2 (Hình 2).
Hình 2. Hình cho thấy số lượng virus trong nhóm biến chủng Delta cao hơn rất nhiều so với nhóm chủng nguyên thủy (đốm đen: toàn bộ bệnh nhân, đốm đỏ: nhóm có triệu chứng, đốm xanh: nhóm không triệu chứng).
Tuy nhiên bên Hoa kỳ, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh CDC báo cáo số lượng virus (suy ra từ chỉ số Ct, Ct nhỏ có số lượng virus nhiều hơn Ct lớn) trong xét nghiệm phết mũi họng ở 2 nhóm chủng ngừa đủ và chủng ngừa không đủ hoặc chưa chủng ngừa sít soát nhau, số lượng ở nhóm chủng ngừa đủ thấp hơn nhóm kia một ít nhưng không có ý nghĩa về mặt thống kê (Hình 3). [2]
Hình 3. Số lượng virus trong mẫu phết họng nguời đã chủng ngừa đủ (bên phải) và chưa chủng/chủng không đủ (bên trái) không khác nhau rõ.
Do đó không thể nói người đã chủng ngừa 2 mũi có số lượng virus ít hơn người chưa chủng ngừa.
Nhưng từ số lượng virus hiện diện trong khu vực mũi họng đến khả năng lây lan là cả một quá trình khá dài.
Nghiên cứu từ Đại học Illinois cho thấy những ở người chủng ngừa đủ liều thì cấy virus chỉ mọc chủ yếu trong ngày đầu sau đó lai rai đến ngày 5 thì âm tính, còn ở những người chưa chích ngừa đủ thì phết mũi cấy virus vẫn mọc nhiều nhất trong 5 ngày đầu và kéo dài đến ngày thứ 9 (Hình 4). [3]
HÌnh 4. Tình trạng cấy mọc virus SARS-CoV-2 ở người chủng ngừa đủ (đốm đen) so với chủng ngừa chưa đủ (đốm hồng) hoặc không chủng ngừa (đốm màu vàng)
CDC Hoa Kỳ có một báo cáo thống kê trong thực tế vào tháng 9/2021 rằng người không chủng ngừa có nguy cơ mắc COVID-19 gấp 6,1 lần người chủng ngừa đủ, và nguy cơ tử vong do COVID-19 gấp 11,3 lần hơn (Hình 5) [4].
Hình 5. Thống kê của CDC Hoa Kỳ tháng 9/2021 cho thấy người chưa chủng ngừa có nguy cơ mắc gấp 6,1 lần và nguy cơ chết gấp 11,3 lần người đã chủng ngừa đủ liều.
4/ Tử vong ở những người đã chủng ngừa đầy đủ rơi vào những ai?
Ở nhiều nước (kể cả nước ta) chưa có số liệu phân tích trong số bệnh nhân tử vong ai chủng ngừa đủ ai chưa chủng. Scotland có hệ thống giám sát người chủng ngừa toàn quốc nên họ có số liệu về chuyện này. Họ phân tích so sánh những trường hợp tử vong trong tổng số 3.273.336 người chích ngừa đủ liều thuốc chủng AstraZeneca hoặc Pfeizer, (chiếm 73,6% dân số trong diện chích ngừa) với nhóm chứng trong diện chích ngừa nhưng không chích ngừa.
Tử vong: 236/3273336 (0,007%) trong đó Pfeizer: 47/1205642 (0,004%), AstraZeneca: 188/2026198 (0,009%), một trường hợp chích AstraZeneca sau đó Pfeizer.
Nguyên nhân tử vong: COVID-19 là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong trong chỉ có 41/236 (17,4%) trường hợp (tử vong do COVID-19). Còn 195/236 (82,6%) trường hợp thì COVID-19 là bệnh đi kèm các nguyên nhân gây tử vong khác (tử vong có COVID-19). Các bệnh đi kèm gây tử vong trình bày trong bảng S3 (Table S3).[5]
Lứa tuổi 18-64 tử vong 0,8/10.000 dân-năm ở nhóm chủng ngừa đủ liều so với 3,1/10.000 dân-năm nhóm không chủng ngừa. Số đông người tử vong nằm trong lứa tuổi 65 trở lên, tuổi (trung vị) là 79 tuổi rưỡi (khoảng tứ phân vị 72-87 tuổi). Càng lớn tuổi chích ngừa đủ liều chết ít hơn rất nhiều lần so với nhóm không chích ngừa (Table S2).
Tóm lại, khi chủng đủ 2 mũi thì tử vong rơi vào nhóm người cao tuổi có bệnh nền giống như nhóm không chủng ngừa, nhưng tỉ lệ thấp hơn nhiều so với nhóm không chủng ngừa.
Như thế, trở lại câu hỏi đầu tiên về hiệu quả của thuốc chủng: nó giúp người chủng đủ liều giảm thiểu nguy cơ bệnh và nguy cơ tử vong. Đây chính là bằng chứng thuốc chủng ngừa có hiệu quả bảo vệ vậy!


Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyen Van Vinh Chau et al. An observational study of breakthrough SARS-COV-
2 Delta variant infections among vaccinated healthcare workers in Vietnam. EClinicalMedicine. 2021 Nov; 41:101143. Published online 2021 Sep 30.
[2] Brown CM, et al. Outbreak of SARS-CoV-2 Infections, Including COVID-19 Vaccine Breakthrough Infections, Associated with Large Public Gatherings — Barnstable County, Massachusetts, July 2021. MMWR Morb Mortal Wkly Rep 2021;70:1059-1062. DOI: http://dx.doi.org/10.15585/mmwr.mm7031e2
[3] Ruian Ke et al. Longitudinal analysis of SARS-CoV-2 vaccine breakthrough infections reveal limited infectious virus shedding and restricted tissue distribution. medRxiv 2021.08.30.21262701 https://doi.org/10.1101/2021.08.30.21262701
[4] CDC COVID Data Tracker Truy cập 1/11/2021
[5] Zoe Grange et al. Characteristics and risk of COVID-19-related death in fully vaccinated people in Scotland The Lancet: October 28, 2021 DOI:https://doi.org/10.1016/S0140-6736(21)02316-3