18/8/12

Những Vật Dụng Không Thể Thiếu Của Sinh Viên Y Khoa

Hồi học triệu chứng học vào năm Y 3 mình được đi thực tập tại Bệnh Viện Chợ Quán, trại C D E. Rất may mắn được đích thân Thầy Giáo Sư Trần Văn Bảng dạy ngay buổi đầu tiên đến thực tập. Phần lớn những điều Thầy dạy bây giờ đã bàng bạc vào đâu rồi không biết nữa; riêng có một câu nói mình thuộc nằm lòng không bao giờ quên, mà lại muốn các thế hệ đi sau nghe và làm theo lời Thầy dặn. Câu nói ấy đại khái như vầy: Ba thứ sinh viên y khoa phải có, không được mượn của ai là ống nghe, đồng hồ và bút.

Ống nghe mỗi người sắm một cái, vì nó sẽ được chỉnh cho vừa khít hai tai của mình, nghe tim phổi bằng một ống nghe quen thuộc sẽ giúp mình phát hiện được những tiếng thổi tiếng ran tế nhị mà ống nghe mỗi ngày mượn một cái khác nhau sẽ không sao nghe ra. Hơn nữa mượn ống nghe có khả năng bị lây bệnh nấm ống tai từ ngưới khác nữa. Ống nghe với sinh viên y khoa giống như cái cày của người nông dân vậy; sinh viên y khoa đến thực tập ở bệnh viện mà không có ống nghe khác chi người nông dân đi ra đồng cày mà không mang theo cái cày! Tiếc thay  hiện nay không hiếm các bạn đã ra trường rồi mà đi làm không có ống nghe riêng của mình.

Những vật dụng cần thiết của sinh viên Y khoa ngày trước
Đồng hồ đeo tay: để đếm mạch, nhịp tim, nhịp thở lúc khám bệnh, và để biết giờ ghi vào hồ sơ. Không có đồng hồ đeo tay không thể đếm nhịp thở em bé do vậy có thể không phát hiện được một tình trạng bệnh nặng cần xử trí cấp cứu ngay. Nhiều bạn trẻ muốn dùng điện thoại di động (luôn luôn hiển thị sẵn đồng hồ trên màn hình) thay cho đồng hồ đeo tay. Cách này phiền toái vì phải đút tay vào túi lôi điện thoại ra khiến cho người ta cảm thấy bất tiện, dễ sinh lười biếng bỏ qua không đếm mạch hoặc nhịp thở. Không cần phải nói điện thoại mang ra trong môi trường cạnh bệnh nhân có thể lây nhiễm mầm bệnh, sau đó mang về phát tán!

Bút để ghi chép. Đối với sinh viên việc ghi chép những gì mình thấy, những gì mình nghe, những bệnh án, những lời giảng của Thầy Cô và đàn anh đàn chị, để về đọc lại là vô cùng quan trọng. Do vậy bút và sổ tay ghi chép lâm sàng là không thể thiếu. Ngày trước mình đã nghe và ghi lại những lời giảng của đàn anh Nội trú Hồ Hội về hình dạng tế bào máu trên phết máu ngoại biên trong các bệnh nhiễm trùng; mười lăm năm sau lấy cuốn sổ tay ghi chép ấy ra hướng dẫn lại cho đàn em đi sau làm luận văn Nội trú về thay đổi hình dạng tế bào máu trên phết máu ngoại vi giúp chẩn đoán các bệnh do vi trùng gây ra.

Ngoài ra có hai thứ cũng cần thiết là đèn soi họng (rất phổ biến trên túi áo blouse các diễn viên đóng vai bác sĩ trong phim Hàn Quốc, hễ muốn người ta biết mình đang khám bệnh là vạch mắt bệnh nhân rọi đèn vào!), và búa gõ phản xạ.

Năm ấy, trước khi đi bệnh viện học lâm sàng mình đã mua sắm tại một quầy hàng dụng cụ y khoa trong khu vực rạp chiếu phim Quốc Tế (rạp chiếu phim màn ảnh rộng panorama đầu tiên tại Việt Nam) ở đường Phạm Ngũ Lão 3 món: ống nghe (stethoscope, thường nói vắn tắt là x-tê-tô) loại cơ bản rẻ nhất hiệu Medic (bạn khá giả hơn thì mua hiệu Littmann hoặc Tycos), bộ đèn khám mắt (ophthalmoscope, thường nói vắn tắt là ốp-tan-mô) hiệu Proper và một búa gõ phản xạ.

Ngày nay nhiều sinh viên y khoa có khi đi thực tập lâm sàng quên cả mang theo ống nghe, đồng hồ thì xem trong điện thoại di động, sổ tay ghi chép lâm sàng thì người có kẻ không, riêng bút viết thì luôn luôn có, và lại còn có máy chụp hình trong điện thoại di động để chụp hình những thông tin cần ghi chép cho nhanh và tiện.

Có vẻ như rồi mai này dần dần các điện thoại thông minh và máy tính bảng vừa nhỏ vừa nhẹ vừa kiêm nhiệm được nhiều chức năng sẽ chen vào thay thế cho một hai vật dụng nêu trên để trở thành "vật bất ly thân" của sinh viên Y khoa thời hiện đại.

Những cuốn sách về Nhi Khoa Nhiệt Đới

Những năm đi lâm sàng Nhi Khoa mình tình cờ đọc được trong thư viện 2 cuốn sách về Nhi mà riêng mình cảm thấy thích thú vô cùng, để rồi sau khi ra trường đi làm việc, có dịp quay về Sài Gòn là mình liền đi tìm mà đọc và ghi chép lại những ý cần thiết. Dĩ nhiên cuốn sách gối đầu giường khi làm Nhi là cuốn Nelson Textbook of Pediatrics, ấn bản 1969.

Hai cuốn sách đó là:

1/ "Paediatric Priorities in the Developing World", của David Morley, tác giả người Anh (mất ngày 2 tháng 7 năm 2009 thọ 86 tuổi). Cuốn sách chủ yếu về Nhi Khoa thực hành ở những nơi thiếu thốn điều kiện như Nigeria, Phi Châu. Những khái niệm về Under-5 Clinic khám sức khỏe và chủng ngừa cho trẻ em lành  mạnh dưới 5 tuổi, về ‘Road to Health’ growth chart, biểu đồ tăng trưởng của trẻ em, về "vòng lẩn quẩn" suy dinh dưỡng - viêm phổi - tiêu chảy, cách đánh giá suy dinh dưỡng, phương pháp bù nước điện giải qua truyền nhỏ giọt vào bao tử qua ống thông mũi-dạ dày, và cả cách truyền nước vào ổ bụng khi không truyền tĩnh mạch được (chưa thấy ở đâu làm cách này!)... là từ sách này. Khái niệm "kỷ thuật thích hợp" (appropriate technology) hình như cũng có nguồn gốc từ sách này.

2/ "Diseases of Children in the Subtropics and Tropics" của Jelliffe. Cuốn này đi vào từng bệnh thường gặp ở trẻ em miền nhiệt đới.

Qua 2 cuốn sách này mình đã được chuẩn bị sẵn sàng để sau đó khi chương trình GOBI FFF* được triển khai tại Việt Nam, mình đã hòa nhập không có gì bỡ ngỡ.

Ngoài 2 cuốn sách trên còn một cuốn nữa mình rất thích tên là "Krugman's Infectious Diseases of Children", là sách gối đầu giường, không phải sách tra cứu như cuốn "Feigin and Cherry's Textbook of Pediatric Infectious Diseases".

* GOBI: GROWTH MONITORING, ORAL REHYDRATION, BREAST-FEEDING, IMMUNIZATION, bốn biện pháp đơn giản ít tốn kém nhưng có thể cứu mạng hàng ngàn trẻ em mỗi ngày trên toàn thế giới; FFF: Female Education, Family Spacing, Food Supplements. Đây là các chương trình do UNICEF đề xướng nhằm giúp trẻ em và phụ nữ trên thế giới.

@ Ba cuốn sách nói trên chỉ là sách mà một người thích, nó có tính lịch sử, không có ý khuyên sinh viên y khoa ngày nay cần tìm đọc. Các ấn bản gần nhất của chúng cũng đã được xuất bản lâu rồi.

11/8/12

Duyên Với Nhiệt Đới

Kỷ niệm khó quên trong đời sinh viên Y khoa là sau một đêm trực bệnh viện sáng ra áo sơ mi bị ... thất lạc, thế là phải mặc áo blouse bỏ trong thùng đạp xe ra về. Kỷ niệm đó xảy ra với mình tại Bệnh Viện Chợ Quán, trại D, là trại chữa trị các bệnh nhiễm trùng, mà trong số bệnh nhân có khá nhiều người nghiện xì ke.

Bệnh viện Chợ Quán là nơi mình học được nhiều bệnh đáng nhớ nhất, từ sốt rét (và cũng học được cách kéo rồi nhuộm lam máu bằng phương pháp nhuộm nhanh của Field trong phòng xét nghiệm mini của Bác sĩ Keith Arnold, rồi xem trên kính hiển vi), kiết lỵ, thương hàn, viêm màng não mủ, nhiễm não mô cầu tối cấp, dịch hạch, uốn ván và dịch tả. Có lẽ mình cũng thuộc thế hệ cuối cùng có thấy và làm việc đo tỉ trọng huyết tương bằng cách nhỏ giọt huyết tương vào một dãy ống nghiệm chứa sẵn dung dịch sulfate đồng có nồng độ pha loãng dần; căn cứ trên kết quả tỷ trọng huyết tương mà có công thức tính lượng dịch cần bù, phương pháp này nay đã tuyệt tích giang hồ! Bệnh viện Chợ Quán cũng là nơi mình học được cách chọc dò tủy sống khi theo học các đàn anh trong những đêm trực.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trước kia là Bệnh viện Chợ Quán
Lúc mình đi học 1974-1975 nơi này tên là Trung Tâm Y Tế Hàn Việt. Thực tập ban ngày tại lầu 3 Nội Khoa của Bà Giáo Sư Huỳnh Ngọc Xuân, Thầy Hiếu; học Triệu chứng học Thần Kinh với Thầy Tâm. Đàn anh gần nhất là Nguyễn Nho Đức, dẫn mình đi xem Anh làm nội soi dạ dày 1 cas, cho mình vịn giữ fixer cây kim ảnh chọc hút 1 cas ap-xe gan do amip!

Không nhớ chính xác nhưng khoảng trước/sau năm 1975 mình có học một vài bài trong môn Y học Nhiệt đới, mà bài nhớ nhất là bài Beri-beri với biến chứng nặng suy tim - phù phổi - tử vong gọi là thể ShoShin Beri-beri, lúc ấy bệnh này cũng được điều trị tại Bệnh viện Chợ Quán.

Thời gian trôi qua, mọi chuyện cũng đổi thay, sau 1975 tên Bệnh viện Chợ Quán được dùng lại, sau đổi thành Trung tâm Bệnh Nhiệt Đới; rồi 2 chữ Trung tâm cũng được đổi ngược về thành Bệnh viện, cuối cùng rồi Bệnh viện Chợ Quán trước kia nay mang tên là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Duyên với hai chữ Nhiệt Đới là thế!


Khoa Nhiễm D (trên lầu) và Nhiễm A (trệt) và Khoa Nhiễm E (đàng xa) mới cất trên vị trí trước kia là Trại CDE

Duyên Với Nhi Khoa

Khi còn là sinh viên Y khoa mình được trực đêm tại Bệnh Viện Nhi Đồng hai đợt: trước 1975 tại khu vực Phòng Khám và Khoa Sốt Xuất Huyết, sau đó khoảng năm 1976-1977 thực tập Ngoại Nhi (lúc này là Bệnh Viện Nhi Đồng I). Nhớ mãi không bao giờ quên là sinh viên y khoa trực đêm được bệnh viện Nhi Đồng ưu ái cung cấp sữa để uống trong đêm trực; và thư viện của bệnh viện tuy với một số sách báo ít ỏi nhưng chị thủ thư thì rất tốt bụng tận tình giúp sinh viên mọi yêu cầu về tài liệu.

Ra trường về Đà Lạt cũng được dẫn học sinh đi thực tập (và thầy giáo làm việc buổi sáng) tại khoa Nhi. Những năm 1979-1980 khoa Nhi chỉ có một bác sĩ và một chị Cán sự Điều dưỡng làm công tác điều trị. Mình vừa làm vừa học vừa dạy cho học viên Y sĩ (trung cấp) về Nhi Khoa. Hai năm làm Nhi, sau đó 2 năm làm Nội và 2 năm sau cùng ở Đà Lạt thì làm ở khoa Truyền Nhiễm. Sáu năm làm ở Đà Lạt cho mình thiên hướng thích làm Nhi, mà một trong những lý do là vì mình phát hiện ra rằng "Bệnh nhân trẻ con không nói dối, còn bệnh nhân người lớn thì có thể khai bệnh ... dối", thành ra khi khám bệnh người lớn thầy thuốc vừa hỏi bệnh vừa phải để ý xem lời khai bệnh nào là không thật, mệt!

Rồi đến năm 1984 trở về Sài Gòn lại được phân công nhận việc tại Khoa Nhi. Trải qua hai ba lần nhảy sang làm ở khối người lớn, rồi cuối cùng cũng quay lại Nhi khoa từ 1993 cho tới tận lúc về hưu. Hai mươi năm liên tục làm một khoa Nhi, cũng chính là khoa Nhi đã đón nhận mình năm 1984!

Duyên với Nhi Khoa là thế đấy!